Tám mươi tuổi
Cập nhật ngày: 12/4/2018 6:18:48 PM

 

Cẩn bút về Thầy – Hoà thượng Viện trưởng HVPGVN Tp.HCM.


Hòa thượng cùng chúng tọa thiền

Khi xưa, ở tuổi tám mươi, đức Phật đã đi vào Vô dư, giáo pháp của Ngài bấy giờ đã được lan truyền khắp nơi, trên mọi nẻo đường xứ Ấn, học trò bốn chúng, hộ trì truyền bá lý chân. Với Sứ mệnh khai hoá con đường đưa đến sự diệt khổ cho nhân sinh, Phật đã trở thành người chỉ đường vĩ đại, còn việc đi hay không là do đôi chân của kẻ lữ hành.

Ngày nay, đã tám mươi tuổi, nhưng Người vẫn còn gánh vác trên vai bao nhiêu Phật sự vì thương tưởng lời thỉnh cầu “hiện chưa có người đủ khả năng…”. Khi bao công trình Phật giáo còn dang dở, Tăng ni sinh trẻ còn đang độ tập tu. Tre đã già mà măng chưa lớn kịp.

Trở về thành Varanasi (Ba-La-Nại) của hơn 25 thế kỷ trước, thuở năm anh em tôn giả Kiều Trần Như vừa giác ngộ bốn chân lý nhiệm màu nơi vườn Lộc Uyển, Thế Tôn đã một mình hằng ngày khất thực, mang thức ăn về cho 5 vị đệ tử đầu tiên, để họ có thời gian tu tập, thể nghiệm lẽ thật về duyên sinh, vô ngã, vô thường cho đến khi chứng thành Đạo quả.

Và hiện tại đây, nơi Phật Học viện xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, vào ngày chúng con hơn 800 Tăng, Ni sinh nhập trường, Thầy đã ân cần chỉ dạy: “Việc cơm áo, học phí, sinh hoạt phí mỗi ngày để Thầy lo, các con chỉ cần cố gắng chuyên tâm học hành, rèn luyện tốt, sống đạo đức, nề nếp theo quy định của bổn trường là được”.

Tiếng Thầy của Người ấm áp và chan chứa tình thương như thể một người cha lành với đàn con trẻ. Đức Thế Tôn không còn hiện hữu nơi đời, bấy lâu nay con vẫn nghĩ mình là Thích tử mồ côi, nhưng bên Thầy chúng con mới biết chúng con không hề mồ côi bởi Thầy như sự hiện thân tiếp nối của Phật thân khi xưa.

Chúng con hướng về Thầy với một lòng cung kính: Hoà thượng viện trưởng, sư  ông. Nhưng trước sau Người cũng chỉ là “Thầy” với “các con” bằng cả một lòng thương như Phật. Hôm nay, chúng con cũng xin cẩn bút tiếng “Thầy” để viết về bậc Tôn sư với cả lòng tôn kính và biết ơn sâu sắc.

Phật sự nhiều nhưng Thầy vẫn để tâm hàng đầu vào giáo dục Tăng Ni với trọng trách Viện trưởng Phật Học Viện. Bởi theo Người Tăng Ni học viện là tầng lớp trí thức, kế thừa phát triển Phật pháp trong tương lai, đào tạo một thế hệ Tăng Ni đủ đức đủ tài là công tác quan trọng. Dù ngày mưa, ngày nắng, dù Phật sự đôi miền Nam Bắc, có lúc phải vượt cả trùng dương nhưng Người vẫn dành thời gian trở về Học viện, cùng chúng con thọ thực, kinh hành. Rồi những đêm thanh, hạ trường tịch tịnh, dưới bóng Phật, dáng Thầy ngồi vững chãi như ngọn núi sừng sững uy nghiêm. Dưới bóng thầy, chúng con học ngồi yên, nhìn mỗi niệm tâm duyên theo từng hơi thở. Hôm ấy,lén Thầy đưa mắt nhìn lên, con thấy Dáng Phật trong bóng Thầy từ nghiêm nghiêng xuống thiền đường vô biên thinh lặng.

Nhắc đến Thầy bằng cả một niềm kính ngưỡng, quý giáo thọ như muốn truyền trao cho chúng con những bài học từ cuộc đời giản dị của Thầy. Chúng con đã say mê theo từng câu chuyện kể: Thầy luôn đúng giờ và rất quý trọng nếp sống Tăng thân, dù công việc ở đâu, làm gì Người cũng tranh thủ thời gian về kịp quá đường với chúng. Thức ăn của Thầy là thức ăn của chúng, không có thị giả hầu việc riêng, lo riêng, Người luôn tâm niệm Thầy cũng là chúng trong Tăng đoàn. Mỗi ngày đều đặn, khi đồng hồ điểm sang canh năm, khi tiếng chuông chùa chưa ngân vang tròng màn đêm tịch mịch, thầy đã thức dậy, ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh. Đó là nếp sống, là thời khóa tu tập mà không có lý do nào khiến Thầy xao lãng. Chúng con nghe rằng: mấy lần đi Phật sự nước ngoài, đường bay xa, hội nghị cả ngày, nhưng sớm tinh mơ, khi mọi người trong đoàn thức dậy đã thấy Thầy tĩnh toạ niệm kinh. Một góc Huê Nghiêm, sau giờ tiểu thực, Thầy lặng lẽ thiền hành, mang theo chiếc máy nhỏ nghe kinh, giảng pháp. Có người hỏi:

– Bạch Hoà thượng, Thầy còn nghe pháp nữa sao?

Thầy từ tốn:

–  Lời Phật dạy cả đời không học hết.

Thầy vẫn đều đặn học pháp mỗi ngày như thuở đầu nhập Đạo của một thiền sinh, dù thiền sinh ấy bây giờ đã là bậc trưởng lão niên cao lạp trưởng, là người lãnh đạo Giáo hội.

Dáng thầy lặng yên giữa thiền đường vô biên như dáng núi, bóng Thầy mát mẻ thanh lương như tán cây cổ thụ che chở cho đời dù bao ngày nắng táp mưa sa. Nhưng trong phút chốc, chúng con chợt nhận ra cội đại thụ kia đã già mà chúng con chưa kịp lớn. Tăng Ni sinh chúng con như những chú chim non, mỗi ngày vẫn còn nép trong bóng mát từ ân đức của Thầy chở che. Trong phút giây giật mình, chúng con tự hỏi có phải chính mình đang làm già cỗi bóng cây?!

Ngày lễ nhà giáo Việt Nam 20/11, vâng lời Thầy, chúng con biết tri ân và báo ân đến các bậc giáo thọ đang từng ngày đứng trên bục giảng. Chúng con không đủ phước duyên được học Thầy trên bục giảng đường với phấn trắng, bảng đen như bao lớp người đi trước, nhưng cuộc đời Thầy là bài pháp không lời mà chúng con phải chăm chỉ suốt đời gắng công học hỏi, noi theo. Có những lúc bắt gặp hình ảnh Thầy  lặng  yên  đứng đó, có chút gì xa xăm, chúng con nhận ra trong đôi mắt Thầy là cả một sự kỳ vọng vào thế hệ Tăng ni sinh trẻ chúng con: “Thầy mong các con cố gắng tu, học cho tốt, xứng đáng là Tăng Ni sinh học viện, sau này thay Thầy lãnh đạo giáo hội, tiếp bước các bậc trưởng lão…”

Ngưỡng vọng về Thầy, cúi đầu, chắp khẽ đôi tay, chúng con thầm hứa nguyện, thật tu thật học và lớn lên vững chãi trong chánh pháp mỗi ngày để không cô phụ tấm ân dày đã thọ nhận nơi đất tràm Lê Minh Xuân này, nơi có Hoà thượng Viện trưởng, bậc Thầy tôn kính của chúng con.

Ni sinh Huệ Quang

 
Ý kiến phản hồi
Họ tên *
Email *
Tiêu đề *
Nội dung
Nhập các ký tự bên cạnh vào đây:
Trang: [1]2 3 4 5 6 7 8 9 10 » Trang cuối
Xem nhiều Phản hồi nhiều nhất
Hình ảnh hoạt động
Liên kết Website
Quảng Cáo
Thông tin truy cập