Đám tang không xem giờ tốt xấu ở Hữu Bằng
Cập nhật ngày: 8/16/2019 4:08:49 PM

Tang lễ được coi là chuyện hệ trọng nên nhiều nơi rất cẩn thận trong việc xem giờ nhập quan, giờ an táng, nhưng ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội thì lâu nay, việc tang không xem giờ tốt xấu, không ăn uống và không bốc mộ.

>>Những giáo lý Phật giáo nên đọc 

Hình ảnh một đám tang ở xã Hữu Bằng

Hình ảnh một đám tang ở xã Hữu Bằng

Bài liên quan

Ở nhiều địa phương, nhất là miền Trung, miền Nam, các đám tang thường kéo dài dăm ba ngày, thậm chí hàng tuần lễ, do phụ thuộc ngày giờ ông thầy cúng phán quyết, gây ra nhiều khổ cực cho tang gia. Một người ở Huế còn cho biết thêm: Vì xem giờ nên có đám phải di quan đi an táng lúc 3,4 giờ sáng, khi cả phố phường đang ngon giấc thì tiếng kèn trống, phèng la vang dậy mà không ai dám than phiền.

Xã Hữu Bằng thì khác hẳn, tang lễ trang trọng nhưng giản dị, tuyệt đối không xem ngày giờ xấu tốt. Ông Nguyễn Văn Thơ, 72 tuổi ở thôn Đông xã Hữu Bằng cho biết: Theo lệ làng, một người tạ thế hôm nay thì con cháu chuẩn bị nhanh chóng mọi chuyện và sáng hôm sau nhập quan.

Ngay sau khi có người qua đời thì bà con sẽ lấy lồng kính có máy lạnh mang đến để bảo quản thi hài. Nhập quan xong, cả quan tài đặt trong lồng kính đó nên rất vệ sinh.

Lễ nhập quan không có thầy cúng, không dán bùa. Về nghi lễ nói chung chỉ có sự giúp đỡ của các vãi, Phật tử chùa làng. Thông thường, những trường hợp sắp lâm chung, con cháu có thể mời các vãi đến tụng kinh hộ niệm, có thể trong một ngày hay ba ngày liền, mỗi buổi chừng hai giờ, hoàn toàn miễn phí.

Các vãi dẫn đầu đám tang

Các vãi dẫn đầu đám tang

Nhập quan và phát tang xong thì việc phúng viếng diễn ra trọn một ngày, sáng ngày thứ ba đưa đi an táng. Ai cũng như ai, không kể giàu nghèo, sang hèn, đều bình đẳng như vậy.

Bài liên quan

Dự nhiều đám tang ở xã Hữu Bằng chúng tôi thấy, lễ nhập quan đều tổ chức vào sáng sớm, khi đó họ hàng, dân làng đến dự chật kín trong nhà ngoài sân. Lễ nhập quan và phát tang xong thì họ hàng ở lại, các cụ cao niên và dân làng ra về, để sau đó tùy theo quan hệ mà họ đến phúng viếng.

Buổi sáng thường là con cháu, họ hàng phúng viếng, khoảng từ 10 giờ sáng đến tối là bạn bè, dân làng, khách khứa xa gần. Hôm đó, có phường bát âm phục vụ phúng viếng, nhưng đến 21 giờ là nghỉ để giữ sức khỏe cho tang gia và hạn chế ảnh hưởng đến hàng xóm.

Đến sáng ngày thứ ba, tổ chức lễ an táng cũng vậy, nhưng lúc này thì dân làng đến đông hơn lễ nhập quan bội phần. Do đó thường chỉ các cụ cao tuổi có ghế ngồi, còn đa số dân làng đứng đầy ngoài đường, chật kín trong nhà ngoài ngõ. Đại diện chủ nhà với một mâm cau đặt trước bàn các cụ cao tuổi nhất và có lời cảm ơn và xin dân làng giúp đỡ đưa người quá cố đến nơi an  nghỉ cuối cùng. Tiếp đến một cụ cao tuổi thay mặt dân làng chia buồn cùng tang quyến và giao nhiệm vụ chấp hiệu, điều khiển việc hành tang cho một người quen việc. Viên chấp hiệu nhắc nhở đô tùy là thanh niên trong thôn xóm đã ngồi sẵn giữa sân đứng dậy vái linh cữu hai vái rồi chuyển cữu ra xe tang một cách trang trọng.

Đi đầu đám tang là ni sư trị trì chùa làng và hàng trăm bà vãi, mỗi người một ngọn phướn đi bên hai bên cầu Bát nhã bằng vải vài mấy chục mét, sau đến cờ, trống, hoa, kiệu rước ảnh và xe tang. Một đám tang ở Hữu Bằng có thể có đến dăm bảy trăm người đi đưa. Tất cả những người vác cờ, đánh trống đều là  người lớn.

Trước khi hạ huyệt, mấy bà vãi đến tụng kinh trị huyệt. Sau khi an táng thì các vãi tụng kinh cầu cho hương linh siêu sinh Tịnh độ chừng 30 phút là kết thúc lễ an táng.

Đi đầu đám tang là các Phật tử rước phướn

Đi đầu đám tang là các Phật tử rước phướn

Bài liên quan

Ông Phan Lạc Tiệp, 84 tuổi ở thôn Giếng cho biết: Hữu Bằng một làng là một xã, dân số đến gần 2 vạn người nên đám tang rất đông. Không kể con cháu, họ hàng thì hàng xóm xung quanh đều đến hết, hàng xóm gần thì đến cả nhà, xa thì một hai người. Với các cụ cao tuổi qua đời thì chúng tôi dù không quan hệ thân tình, ở xa xóm, nhưng cũng vẫn đến đưa tang với tình người làng. Nghĩa tử là nghĩa tận, chúng tôi quan niệm như thế.

Điều đặc biệt nữa là đám tang ở Hữu Bằng không có ăn uống. Sau lễ án táng tang gia có lễ cúng “tam nhật” nhưng chỉ phạm vi con cháu ruột thịt, hàng xóm liền kề cũng không tham dự.

Giải thích lý do vì sao lễ nhập quan, đưa tang đều cử hành lúc sáng sớm, ông Tiệp cho biết: "Do làng buôn bán và làm nghề nên cử hành tang lễ sớm để việc hành tang được thoáng đãng, trang trọng, nếu đưa tang muộn thì các xe vận chuyển hàng trong làng sẽ bị ách tắc. Hơn nữa, đưa tang sớm để dân làng vẫn đi đưa tang được mà không ảnh hưởng nhiều đến một ngày làm việc".

Con cháu, họ hàng đi sau xe tang

Con cháu, họ hàng đi sau xe tang

Ông Tiệp cũng cho hay, từ dăm chục năm trước các đám tang đã bỏ xem giờ tốt xấu và làng vẫn phát đạt, ổn định nên trở thành một tục đẹp của làng.

Tang lễ ở Hữu Bằng còn một điều khác thường nữa là nói chung không có bốc mộ, làng quan niệm “nhất táng thiên thu” là tốt nhất. Ông Nguyễn Văn Thơ cho biết: Các đám tang ở đây thường dùng gỗ chò chỉ làm áo quan, đào sâu chôn chặt một lần. Chỉ khi nào do mở đường, do quy hoạch hay muốn đưa tổ tiên về chung một nghĩa trang thì người mới bốc mộ. Tuyệt đối không có chuyện sau 3 năm phải bốc mộ như nơi khác.

Hữu Bằng là một làng có truyền thống thương mại, hiện nay nổi tiếng về đồ gỗ nội thất, thuộc một trong những xã giàu có nhất của các huyện ngoại thành Hà Nội. Thông thường “phú quý sinh lễ nghĩa” nhưng Hữu Bằng vẫn giữ được phong tục thuần hậu như vậy thật đáng quý.

Nguyễn Phan Khiêm
 
 
Ý kiến phản hồi
Họ tên *
Email *
Tiêu đề *
Nội dung
Nhập các ký tự bên cạnh vào đây:
Trang: [1]2 3 4 5 6 7 8 9 10 » Trang cuối
Xem nhiều Phản hồi nhiều nhất
Hình ảnh hoạt động
Liên kết Website
Quảng Cáo
Thông tin truy cập