Tuy rằng trong quá khứ Đức Thế Tôn đã dùng những phương tiện để khai và thị cho chúng sanh vì cứu cánh của Ngài là muốn cho chúng sanh ở mọi từng lớp, mọi trình độ hiểu thấu đạo pháp và đều trọn thành Phật quả tức là đắc quả Niết Bàn, chúng sanh vẫn si mê làm điều tà dại. Đến lúc sắp nhập diệt, Ngài đã vì chúng sanh mà nói rõ về Niết Bàn nữa. Vậy Niết Bàn là gì? Niết Bàn của đạo Phật có nghĩa là sự trống vắng của phiền não. Khi ta không tham, sân si, hận, ghét... tức là ta không có não phiền, tự nó là niềm vui, tự nó là hằng sa nhịn nhục, là giác ngộ. Tỉ như khi ta không đau bịnh đó là cảm giác của an lành của thanh tịnh, là niết bàn vậy. Đừng nghỉ rằng không đau bịnh là sự trống vắng khơi khơi hoặc trung tính mà nên coi đó là sự trống vắng của não phiền, là Niết Bàn.
Niết Bàn được thực hiện khi nào lửa phiền não đã diệt hết, nghiệp chướng đã tiêu trừ. Niết bàn là rốt ráo, là cảnh giới giải thoát, không sanh, không diệt, bất biến.
Có mấy loại Niết Bàn? Thực sự, Niết bàn chỉ có một, nhưng Phật nói có bốn thứ để cho chúng sanh được hiểu rõ về Niết Bàn.
- Bổn lại tự tánh Thanh tịnh Niết bàn nghĩa là căn bản của các pháp vốn thanh tịnh, không sanh không diệt mà vắng lặng trong hư không.
- Hữu dư y Niết Bàn nghĩa là đã ra khỏi phiền não chướng, dù còn ít khổ chưa đoạn hết, nhưng nghiệp chướng đã nhẹ nhàng.
- Vô dư y Niết Bàn nghĩa là đã ra khỏi phiền não, dứt sanh tử, dư báo cũng diệt, các khổ não hằng dứt.
- Vô trụ xứ Niết Bàn nghĩa là không còn sở tri chướng, lòng đại từ, trí bát nhã xuất hiện hoàn toàn không còn trụ sanh tử.
Đức Thế Tôn đã khẳng định khi nào ta còn vướng mắc tham ái và dục lạc là ta không thể chứng nghiệm được Niết Bàn. Niết Bàn là chân hạnh phúc vĩnh cửu chứ không là thứ hạnh phúc tạm mà ta thường cảm chứng trong cuộc sống hàng ngày.