Hàng năm cứ đến ngày Rằm tháng Hai âm lịch, những người con Phật lại thành tâm tưởng niệm ngày Đức Bổn sư Từ phụ Thích Ca Mâu Ni Phật nhập Niết bàn. Dưới sự quang lâm chứng minh của HT. Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, trụ trì chùa Liên Phái, đạo tràng Phật tử chùa Liên Phái đã trang nghiêm tổ chức lễ tưởng niệm 2565 năm ngày Đức Phật nhập niết bàn, nhằm ôn lại những tư tưởng lớn của Ngài mặc dù Ngài đã nhập Niết bàn gần 26 thế kỷ.
Hoà thượng Thích Gia Quang - Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Liên Phái có bài pháp ôn lại cuộc đời của Đức Phật và sự kiện Đức Phật nhập niết bàn và ý nghĩa ngày Đức Phật nhập Niết bàn.
Từ khi thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề cho đến ngày nhập diệt, trải qua một thời gian 49 năm, Đức Phật đã đi khắp xứ Ấn Độ rộng lớn bao la, hết nước này đến nước khác. Mỗi năm, Ngài đi chu du để thuyết pháp độ sinh. Ròng rã 49 năm như thế, hạt giống từ bi được Ngài tinh tấn gieo khắp các xứ ở Ấn Độ. Từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây, từ rừng núi đến đồng bằng, không nơi nào là Ngài không đặt chân đến, hay truyền đệ tử đến thay Ngài để hóa độ chúng sinh.
Đạo Bồ Đề từ đấy đã ăn sâu gốc rễ trên đất nước Ấn Độ rộng lớn, và trở thành một tôn giáo chính của các nước lớn nhỏ thời bấy giờ tại xứ Ấn Độ. Đức Phật sau khi tự giác, đã giác tha và đến khi giác hạnh của Ngài đã viên mãn thì Phật đã 80 tuổi. Đến đây, sắc thân tứ đại của Ngài cũng theo luật vô thường mà biến đổi, yếu già. Năm ấy Ngài vào hạ ở rừng Sa La trong xứ Câu Ly, cách thành Ba La Nại chừng 129 dặm.
Chùa Liên Phái – đóa sen tuyệt đẹp giữa lòng Thủ đô
Một hôm, Ngài gọi tôn giả A Nan đến và bảo rằng trong ba tháng nữa Ngài sẽ nhập Niết bàn. Và rồi tin đức Phật sắp vào Niết bàn, lan ra như một tiếng sét. Các đệ tử Ngài đi truyền giáo ở các nơi xa, lục tục trở về để cùng đấng Giác Ngộ chia ly lần cuối.
Trong thời gian ba tháng cuối cùng, Đức Phật vẫn không nghỉ ngơi, mà vẫn tiếp tục đi truyền đạo. Một hôm, Ngài đi thuyết pháp ngang qua một khu rừng, gặp một người làm nghề đốt than, ông Thuần Đà, thỉnh Ngài về nhà để thọ trai. Ngài im lặng cùng các đệ tử đi theo ông. Thụ trai xong, Phật cùng các đệ tử lại từ giã ông Thuần Đà ra đi. Được một khoảng đường, Ngài giao bình bát cho ông A Nan và truyền treo võng lên trong rừng cây Sa La để Ngài nằm nghỉ. Ngài nằm xuống võng giữa hai cây Sa La, đầu trở về hướng Bắc, mình nghiêng về phía tay phải, mặt xây về phía mặt trời lặn, hai chân tréo vào nhau. Nghe tin Ngài sắp nhập Niết Bàn, dân chúng quanh vùng đến kính viếng rất đông, trong số ấy có một ông già ngoài tám mươi tuổi, tên Tu Bạt Đà La đến xin xuất gia. Ngài hoan hỷ nhận lời. Đó là người đệ tử cuối cùng trong đời Ngài.
Lúc bấy giờ các đệ tử Ngài đều có mặt đông dủ, chỉ trừ ông Ca Diếp vì đi thuyết pháp xa, chưa kịp về. Ngài hội tất cả đệ tử và tín đồ đến quanh Ngài và dặn dò một lần cuối. Ngài Phú chúc như sau:
- Y, bát của Ngài sẽ truyền cho ông Ma Ha Ca Diếp
- Các đệ tử phải lấy Giới luật làm thầy.
- Ở đầu các Kinh, phải nêu lên dòng chữ: “Như thị ngã văn”.
- Xá lợi của Ngài sẽ chia làm 3 phần: một phần cho thiên cung, một phần cho long cung, một phần chia cho 8 vị Quốc vương ở Ấn Độ.
Sau khi đã dặn dò cặn kẽ xong, Ngài nhập định rồi vào Niết bàn. Lúc bấy giờ nhằm ngày Rằm tháng Hai âm lịch.
Đức Phật đã nhập Niết bàn, nhưng gương sáng của đời Ngài vẫn còn chiếu sáng rực trước mắt chúng ta. Suốt 49 năm hoằng pháp, không một lúc nào Ngài xao lãng mục đích tối thượng là hóa độ chúng sanh đang trầm luân trong bể khổ. Khi còn tại gia, Ngài là người ở trong địa vị có diễm phúc nhất, cao nhất của người đời, thế mà Ngài vẫn không màng tưởng đến;
Khi vào trong đạo, Ngài là người ở trong địa vị cao chót vót của Đạo, thế mà Ngài vẫn không chịu ở yên trong địa vị ấy, lại vất vả duỗi rong trên mọi nẻo đường bụi bặm, gai góc để đưa dắt chúng sanh lên con đường hạnh phúc an vui và giải thoát hoàn toàn. Lòng thương của Phật thật là vô lượng, ân đức của Phật thật vô biên.
Đức Phật đã nhập Niết bàn gần 26 thế kỷ, nhưng dấu tích của Ngài vẫn còn in đậm trong tâm tư của tất cả những người con Phật nói riêng và toàn nhân loại trên thế giới nói chung bởi lẽ lợi ích mà Ngài đã mang lại cho chúng sanh quá lớn lao vĩ đại. Có thể nói rằng, sự hòa bình của thế giới có được không thể thiếu sự đóng góp của đạo Phật, sự hạnh phúc và an lạc của muôn loài trên vũ trụ không thể có được nếu như không có giáo pháp của Ngài.
Ngày lễ tưởng niệm Đức Phật nhập Niết bàn nhằm tán thán công đức cao vời của Ngài, và qua đó khuyến khích những người con Phật hãy học theo gương sáng của Ngài, thực hiện những lời phó chúc của Ngài để tự độ và độ tha. Đức Phật tuy đã nhập diệt cách đây gần 26 thế kỷ, nhưng Giáo pháp và Tăng đoàn của Ngài vẫn còn đó. Nếu ai đi theo con đường của Ngài đã dạy, tinh tấn tu học theo đúng Chánh pháp của Phật thì cũng có thể thấy được Phật.
Nhân dịp này, HT.Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN quang lâm chứng minh quy y cho gần 100 Phật tử tại chùa. Trước khi vào buổi lễ Quy y Tam bảo cho quý Phật tử, Đại đức Thích Thanh Hiếu cùng đại chúng tụng đọc kinh Phạm Võng Bồ tát giới.
Sau thời khoá tụng kinh Phạm Võng Bồ tát giới, HT.Thích Gia Quang quang lâm trước đại chúng nói về ý nghĩa của lễ Quy y Tam bảo đối với người Phật tử và cách thực hành, tu tập hàng ngày.
HT. Thích Gia Quang nhấn mạnh với các Phật tử, hãy luôn luôn ghi nhớ những lời dạy của Đức Phật là phải lấy giới luật làm thầy, tự thắp đuốc lên mà đi, hãy lấy Pháp của Phật làm đuốc, hãy theo Pháp của Phật mà tự giải thoát, đừng tìm sự giải thoát ở một ai khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài chính mình, mọi vật ở đời không có gì quý giá, thân thể rồi sẽ tan rã, chỉ có đạo Phật là quý báu, chỉ có chân lý của đạo Phật là bất di, bất dịch, hãy tinh tấn lên để giải thoát.
Gần 100 Phật tử phát tâm Quy y Tam Bảo được Hoà thượng truyền trao Chứng điệp thọ giới, trở thành người Phật tử, thực hành ngũ giới, thập thiện để có đời sống tâm linh và xã hội tốt đẹp. Quy y là nương tựa vào 3 ngôi báu: Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Người con Phật Quy y Tam Bảo tức là bước đầu tiên của việc vào đạo tin Phật. Phật giáo không bỏ bất kỳ chúng sinh nào, do đó đối với việc quy y Tam Bảo cũng không có sự hạn lượng nhất định. Trong lục đạo chúng sinh trừ Địa ngục là nơi thọ khổ vô cùng vô tận không thể quy y Tam Bảo được. Các nơi khác bất kể là Người, Trời, Thần, Quỷ vật và Súc sinh chỉ cần phát tâm quy y, Phật giáo đều tiếp nhận cả. Đây cũng giống như đã là học sinh đủ tuổi đi học thì bất luận là giàu nghèo, sang hèn... đều được nhập học vậy.
“Thân người khó được,
Phật pháp khó nghe”.
Một người quy y Tam Bảo là một người có đủ duyên lành để giác ngộ, để tiếp cận Phật pháp, để hồi đầu quy hướng về Tam Bảo, để bắt đầu làm mới lại con người của mình trong việc tu học và hoàn thiện nhân cách đạo đức. Đây là điều kiện tốt để chúng ta bước ra khỏi những sai lầm, những ràng buộc do vô minh, do tập quán thói quen của cuộc đời trước đó đã đẩy ta vào vòng lẩn quẩn của khổ đau.
Buổi lễ kết thúc trong sự trang nghiêm và hỷ lạc của các Phật tử tham dự.
Theo: https://phatgiao.org.vn/le-tuong-niem-2565-nam-ngay-duc-phat-nhap-niet-ban-tai-chua-lien-phai-d46571.html