>>Tin tức Phật giáo mới nhất
Sáng 22/5, tại hội thảo về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học do Tổng cục môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Trung ương Giáo hội Phật giáo tổ chức, nhiều ý kiến đề cập đến việc phóng sinh như một nét đẹp văn hóa, song vừa qua có những biểu hiện lo ngại.
Theo ông Nguyễn Thanh Vĩnh - Cục phó Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, với hiện tượng thả sinh vật ngoại lai, ăn chính các loài cá, tôm bản địa thì từ phóng sinh lại trở thành sát sinh.
Ông Vĩnh cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền nội dung này và bày tỏ mong muốn các nhà chùa khuyên phật tử, nhân dân phóng sinh đúng cách.
Thượng tọa Thích Minh Quang - Phó chánh văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho rằng việc phóng sinh bừa bãi không phải hiện tượng phổ biến. Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn xảy ra việc thả ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, tôm càng đỏ (tôm hùm đất)..., là do nhiều người chưa hiểu hết về mức độ nguy hiểm của chúng.
"Thời gian tới chúng tôi sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể các địa phương về những loại động vật nên phóng sinh, vị trí phóng sinh hợp lý để việc này đạt được hiệu quả", Thượng tọa Thích Minh Quang nói.
Ngoài ra, Thượng tọa Thích Minh Quang cho hay, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ mở các cuộc tập huấn về bảo vệ môi trường đến từng tăng ni, chức sắc tôn giáo. "Chính các tăng ni sẽ truyền đạt tinh thần bảo vệ môi trường đến mọi người. Ở các khóa tu mùa hè cho người dân, chúng tôi cũng sẽ mời chuyên gia về môi trường đến thuyết giảng", Thượng tọa Thích Minh Quang nói.
Ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục môi trường nhận xét, nhiều khi hoạt động tuyên truyền của cơ quan nhà nước khó đến với người dân, nhưng thông qua các nhà chùa lại được đông đảo phật tử đón nhận. Vì vậy, thời gian tới Tổng cục Môi trường sẽ tích cực phối hợp với các cơ sở tôn giáo để đẩy mạnh thông tin về lĩnh vực nêu trên.
Gia Chính (VnExpress)